Nhân – Quả là mối quan hệ tưởng như phức tạp, huyền bí, nhưng rất đơn giản thâm sâu. Nó là sự tương tác giữa tư duy, ý thức và hành động của con người đối với thế giới quan, nhân sinh quan và kết quả được tạo ra theo cách mà con người đã tác động làm thay đổi sự vật, sự việc và hiện tượng ấy.
Quan điểm của Luật Nghiệp hay Luật Nhân Quả cho rằng vạn sự do tâm tạo, xuất phát từ ý thức khởi niệm sinh ra tâm niệm, tâm niệm sinh ra tư duy để dẫn dắt con người hành động khởi tạo nghiệp duyên, hình thành nghiệp quả. Phần lớn quả nghiệp sẽ tác động trở lại và hiện hữu ở trong tương lai (kiếp sau) chứ không thường xảy ra tại hiện kiếp.
Quả nghiệp đã, đang hoặc sẽ tác động đến con người ở thời điểm hiện sinh ra sao còn phải tùy theo duyên nghiệp, phúc nghiệp của nhân sinh và phải tới thời điểm phù hợp để nó hiện hữu trong trạng thái vật chất hoặc phi vật chất (vô hình).
Nhân Quả phản ánh trung thực sự phát triển và biến đổi hai chiều – tác động và kết quả, đây là quy luật tất yếu của tự nhiên, xảy ra trong mọi hoàn cảnh, mọi không gian và thời gian.
1. Bồ Tát sợ nhân:
Câu nói “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả” vốn xuất phát từ quan điểm của nhà Phật về nhân quả, bản chất của hành động và hậu quả.
Trong Phật giáo, Bồ tát là người có trí tuệ siêu phàm, đạt tới cảnh giới giác ngộ, hạnh nguyện cao cả giúp chúng sinh thoát khỏi khổ đau.
Trong câu nói trên “sợ” không phải là sợ hãi, mà là một sự cân nhắc, thận trọng và ý thức sâu sắc qua thiên nhãn thấu tỏ mọi hành động và kết quả của hành động. Do đó, luôn cẩn trọng trong từng lời nói, từng suy nghĩ và từng hành động, để không gây ra hậu quả xấu cho bản thân và cho chúng sinh.
2. Chúng sinh sợ quả
Chúng sinh trong quan niệm của Phật giáo chỉ mọi loài vật, trong đó có con người. Tất cả đang chìm đắm trong sự luân hồi của sinh tử và khổ đau, do không nhận thức được chân lý nhân quả.
Con người, thường không suy nghĩ thấu đáo trước khi hành động, không suy xét về hậu quả của hành động, chỉ làm theo bản năng để thỏa mãn bản ngã (cái tôi).
Tới khi quả nghiệp báo ứng, kiếp nạn xảy ra mới lo lắng sợ hãi tìm cách tháo gỡ, cầu trời khấn phật che chở, chứ không tĩnh tại, tư duy, phân tích xem có mối liên quan nào giữa hậu quả và hành động của mình trong hiện tại hay trong quá khứ để có biện pháp ứng phó thích hợp, thay đổi bản thân, sửa chữa sai lầm, buông bỏ chấp niệm
Tất nhiên, mặt hạn chế lớn nhất của nhân sinh là do ở thế giới vật chất, nên chỉ khi các kết quả trong trạng thái vật chất được nghe thấy, nhìn thấy thì mới tin. Còn những tác động vô hình, nhưng mang đến hậu quả hữu hình thì họ không hiểu và cũng không tin. Nếu nói về vấn đề nhân quả, nghiệp lực, thì nhân sinh đều chỉ bán tín bán nghi, thấy mơ hồ trừu tượng chứ không bị thuyết phục.
Cứ thế, nhân sinh tự tạo ra cho mình chu kỳ lặp đi lặp lại của khổ đau và bế tắc, hết kiếp này tới kiếp khác nghiệp chồng nghiệp ngày càng dày bền sâu nặng và không thể tìm ra con đường giải thoát, do không có sự giác ngộ về nhân quả.
Như vậy, sự khác biệt giữa Bồ tát và chúng sinh nằm ở sự hiểu biết, nhận thức và ứng xử đúng đắn với quy luật nhân quả. Bồ tát có chứng quả giác ngộ sâu sắc và toàn diện về nhân quả, thiên nhãn thấu tỏ quá khứ, hiện tại, vị lai, do đó rất cẩn trọng đối với mọi hành động của mình, tùy theo duyên nghiệp và sự lĩnh ngộ của nhân sinh mà gieo duyên, tác phúc.
Ngược lại, ở con người thì phần con là bản năng luôn lấn át phần người là lý trí. Cho nên chỉ ham cạnh tranh, ganh đua, hành động theo bản ngã chứ không chấp nhận thua thiệt hay buông bỏ. Không có tinh thần từ bi, nhẫn nại học tập điều hay lẽ phải, tự suy luận, tự cảm thông, để hướng tới sự giác ngộ và giải thoát. Bởi vậy tự chiêu cảm tà ác rồi tự nhận lấy tai ương .
Lẽ đời, có nhân ắt phải có quả. Bởi vậy cổ nhân sau bao nhiêu ngàn năm trải nghiệm mới đúc kết chân lý “Gieo nhân nào, gặt quả ấy” hoặc “Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai”.
Trong Phật Thuyết Pháp Diệt Tận Kinh, đức phật Thích Ca Mầu Ni cũng tiên tri rằng “Chúng sinh chỉ tham tiền tài vật chất tích lũy để làm giàu mà không chịu tu phúc đức chân chính, không có việc xấu xa nào không dám làm. Chúng sinh không còn một chút thiện tính từ bi nào nữa. Đến thời điểm, xã hội, nhân loại sẽ xuất hiện nhiều sự tình khác lạ:
Một là thủy hạn bất điều, ngũ cốc bất thục, dịch khí lưu hành tử vong giả chúng. Tức là khí hậu dị thường, thiên tai nhân họa xảy ra thường xuyên, nước hạn hán, ngũ cốc không chín, bệnh dịch làm chết nhiều người.
Hai là ác nhân truyền đa như hải trung sa, thiện giả thậm thiểu như nhất nhược nhị. Ý nói đạo đức xã hội trượt dốc, người ác nhiều như cát trong biển, người lương thiện lại vô cùng ít.
Ba là kiếp dục tận cố nhật nguyệt chuyển đoản, nhân mệnh chuyển thúc, 40 vi bạch thủ, nam tử dâm dục tinh tận yếu mệnh, hoặc thọ 60. Nam tử đoản thọ, nữ nhân thọ trường, 70-80-90 hoặc chí bách tuế. Đại thủy hốt khởi, thốt trí vô kỳ. Thế nhân bất ngôn cố vi hữu thường. Chúng sinh tạp loại bất phân hào tiện, một lịch phù phiêu ngư miết thực đạo. Ý nói đến thời mạt kiếp thì mặt trăng, mặt trời luân chuyển làm thời gian ngắn lại hơn, vì thế tuổi thọ con người cũng nhanh kết thúc hơn. Người 40 tuổi đã đầu bạc già trước tuổi. Nam giới vì dâm dục phóng túng, nên tinh lực cạn kiệt mà chết yểu, có thể chỉ sống thọ tới 60. Nam thọ ngắn thì nữ lại thọ dài, có thể sống đến 70-80-90 thậm chí là 100 tuổi. Lũ lụt sẽ đến bất ngờ và thường xuyên hơn, không theo quy luật rõ ràng. Người đời không tin đây là hiện tượng mạt pháp, vì thế xem là bình thường. Chúng sinh sống tạp loạn cùng nhau, bất kể giàu sang hay nghèo hèn, đều bị chìm trong nước chứ không nổi, làm mồi cho cá và rùa”
Như vậy, mỗi hành động của con người (nhân) đều sẽ dẫn đến một kết quả (quả) tương ứng, có thể tốt, có thể xấu tùy theo khởi tạo nghiệp duyên. Nhưng hậu quả không nhất định phải biểu hiện ngay, nó có thể đến nhanh hoặc chậm, thấy rõ ngay hoặc chưa thấy rõ, vì quả nghiệp còn phụ thuộc vào các điều kiện và yếu tố khác của con người như vấn đề duyên nghiệp hiện sinh, phúc nghiệp quá khứ và đến đúng thời điểm để hậu quả hiển ứng và tác phát.
Quan điểm về nhân quả đã rõ, nhưng đôi khi nhân đã gieo mà quả vẫn chưa xuất hiện. Giống như việc chúng ta nhìn thấy người làm rất nhiều việc bất chính, bất thiện, mà sau nhiều năm tháng họ vẫn giàu sang phú quý, con cháu cơ ngơi phát triển.
Thay vì nghi ngờ về vấn đề nhân quả, chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi và trải nghiệm. Hãy hiểu rằng mọi quá trình đều cần phải có thời gian nhất định để phát triển và đạt đến kết quả cuối cùng. Đã gieo nhân, quả không phải không đến mà là chưa tới thời điểm nó đến