CÂY ĐỜI QUẢ NGHIỆP

Triều Minh có vị quan tri phủ Lôi Châu. Việc công thì nhác, việc tư thì siêng, chữ công chính liêm minh thì hay quên, điều bất chính bất thiện thì ưa làm, lúc nào trong tâm trí cũng chỉ suy nghĩ tìm cách gì để thu thật nhiều tiền của dân về làm của riêng. Ngày nào mà không thu về được món tiền lớn là ngày ăn không ngon, đêm nằm trằn trọc ngủ không yên, vì thế trong nhà của cải nhiều vô kể. Số tài sản đó nếu họ hàng dòng tộc chỉ ăn chơi hưởng lạc cũng phải tới mấy đời cũng không hết.
Người dân đói khổ kêu lên quan, quan chẳng bận tâm ngó ngàng. Khắp mọi nơi trong phủ, nhà nhà trong cảnh cơ hàn, người người chết dần chết mòn mỗi ngày vì đói khát, bệnh tật. Dân chúng muốn trình báo sự việc lên các vị quan trên triều đình, ngặt nỗi đường xá xa xôi cách trở, lại bị ngăn cản bởi nhiều tầng lớp các quan tham nên không thể thực hiện được.
Một ngày, vị quan nọ tổ chức bữa tiệc nhân lễ thôi nôi của đứa cháu đích tôn. Quan cho mời nhiều vị chức sắc tới dự, lại mời cả các tài nữ danh tiếng đến ca múa mua vui và sai gia nhân làm các món ăn ngon để thiết đãi thực khách. Trong bữa tiệc có một vị đạo sĩ được mời tới để coi số đoán mệnh cho đứa trẻ theo phong tục.
Vị đạo sĩ khi tới nơi nhìn lướt quanh một hồi rồi đi tới gian phòng nhỏ dành cho người hầu ở cơ ngơi sang trọng của vị quan, ngồi thiền tĩnh lặng.
Khi được mời lên ra mắt quan để xem mệnh vận cho đứa cháu đích tôn của quan, vị đạo sĩ lắc đầu nói: “Xin thứ lỗi, ta không thể nói được”.
Các sai nha bẩm lại với quan trên, quan nghe xong rất ngạc nhiên và tức giận, nhưng vì trước đám đông khách mời phải giả bộ ân cần, xin đạo sĩ cứ nói ra điều mình suy nghĩ. Vị đạo sĩ thản nhiên nhìn thẳng vào mặt quan mà bảo rằng: “Ta không muốn nói bởi vì tương lai của đứa trẻ này rất hẩm hiu, sẽ chết đói ngoài đường” .
Quan tri phủ lập tức sai lính bắt giam ngay đạo sĩ vào ngục vì dám phạm thượng, nói càn.
Quan phu nhân là người có thiện tâm, nên tới phòng giam gặp đạo sĩ hỏi han :
– Sao Tiên sinh lại nói điều trái ngược như vậy để đến nông nỗi này?
Đạo sĩ đáp:
– Ta chỉ nói điều ta nhìn thấy. Đứa trẻ đó bị yểu mệnh là do ông của nó đã làm quá nhiều điều bất chính, bất thiện, thất đức.
– Vậy theo ý Tiên sinh có cách gì để hóa giải ?
– Ông ta là mệnh quan triều đình, tài trí hơn người, chắc hiểu được lý lẽ nhân quả. Nên sớm giác ngộ, buông bỏ tham sân, thay đổi tư duy, giữ gìn công chính liêm minh, mở kho ban chẩn thóc gạo cho dân chúng trong phủ đang đói khổ cơ hàn, tất sẽ hóa giải được tai họa.
Quan bà lo lắng trở về, mau chóng gặp Quan ông nói chuyện, nhưng bị chê trách là hồ đồ mê muội và cấm không cho bàn tới việc đó nữa.
Một thời gian sau, có vị quan Khâm Sai thanh liêm từ triều đình được nhà vua giao cho nhiệm vụ đi thị sát một số nơi, qua vùng Lôi Châu nhận được trình báo và lời tấu khổ của dân chúng trong vùng, đã cho người bí mật thẩm tra vụ việc. Khi nhân chứng vật chứng đầy đủ liền tới gặp quan tri phủ đối chất, xét hỏi. Trước chứng cớ không thể chối cãi, quan tham cúi đầu nhận tội. Mọi của cải bất minh bị tịch thu sung vào công quỹ. Tham quan cùng những kẻ đồng phạm đều bị bắt tống giam vào ngục. Con cháu nhà quan từ đó lâm vào cảnh nợ nần, túng thiếu, phải bán cả phần đất hương hỏa còn lại để kiếm miếng ăn sinh sống qua ngày.
Do không quen với công việc lao động vất vả, nặng nhọc, nên cũng không có ai nhận làm thuê làm mướn, họ phải đi tha phương cầu thực. Cuối cùng nhiều người bị chết ở đầu đường xó chợ vì đói, rét, trong đó có đứa cháu đích tôn của vị quan kia.

LỜI BÀN: Câu chuyện hàm ý về nhân quả, “gieo nhân nào gặt quả đó” là một chân lý, mang ý nghĩa sâu sắc về mối quan hệ giữa hành động và kết quả trong cuộc sống. Nó nhắc nhở chúng ta rằng những gì chúng ta làm hôm nay sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chính mình. Bất kỳ nỗ lực nào nghiêm túc, đúng đắn, chân thành và cẩn thận đều dẫn đến thành công, thành tựu và hạnh phúc. Ngược lại khi khởi tạo hành động tham lam, gian ác, bất chính, bất thiện, sẽ mang đến hậu quả xấu không chỉ đối với bản thân, mà còn với cả gia đình và xã hội.

admin
Author: admin

Để lại một bình luận

error: Nội dung được bảo vệ!!