CÂU HỎI:
Thầy cho con hỏi. Câu nào đúng giải thích giúp con, con cảm ơn ạ :
Chấm đồng từ thuở lên 3 đến năm 81 cũng vẫn phải ra hành đồng hay câu chấm đồng từ thuở 13 đến năm 18 rồi ra trình đồng .
Con thấy 1 cô bé mới 4 tuổi đã ra hầu. 1 cô bé ăn chưa no lo chưa tới. Học hành chữ nghĩa ko biết sao đã phải gánh việc trần?
TRẢ LỜI:
Thực ra câu nói đúng là “Chấm đồng từ thuở lên 3, tới năm 18 mới ra trình đồng”. Lý do là một vong hồn khi phải tái sinh luân hồi vào cõi Dục Giới trong hình hài con người, thì đã được định nghiệp trước đó dựa trên nghiệp lực bản thân hay trên mối quan hệ từ Nhân – Quả. Như thế khái niệm “căn quả” đối với một nhân sinh ở đây nó vốn có nguyên nhân nguồn gốc từ trước đó, trong tiền kiếp quá khứ và được xác định cho hiện tại (đầu thai làm người).
Tới năm 18 tuổi là độ tuổi mà theo khoa học con người đã, đang và tiếp tục đạt được sự phát triển tốt về cơ thể, trí tuệ, khả năng tự lập, khả năng phân tích, biết phân định tốt xấu, hay dở, có thể tự đảm đương được những công việc cần thiết theo yêu cầu, tự chịu trách nhiệm về những kết quả và hậu quả do mình làm ra…. Cho nên chúng ta thấy trong luật nghĩa vụ quân sự thì nam phải đủ 18 tuổi là như vậy.
Còn người 81 tuổi thuộc dạng ” Mầm non của nghĩa địa” rồi, mắt mờ chân chậm, lực bất tòng tâm thì còn hầu hạ gì nữa mà ra trình đồng . Trong luật Âm giới cũng quy định rõ “Ốm tha, già thải” không nhận lính thuộc các thành phần như vậy.
Đối với việc chấm lính bắt đồng của Chư vị tiên thánh thuộc đạo Tứ Phủ cũng rất rõ ràng. Người có căn quả được xác định là phải trình đồng mở phủ thì cũng phải đủ 18 tuổi, như thế thì việc tu tập mới có thể đạt kết quả. Người có căn quả như thế gọi là có nghiệp tu, mà đã tu thì đạo hạnh càng cao càng phải gian lao khổ ải. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” thế nó mới thành đồng, thành đạo. Nếu tu mà sướng thì ai chả muốn tu.
Giờ người đời tham cầu vọng tưởng nhiều quá, sinh ra bất chính đạo ở khắp nơi, khắp chốn.
Lỗi này do những người truyền đạo gây nên. Nó xuất phát từ việc không có sự am hiểu về tâm linh lại còn ham mê tìm hiểu, học tập những man thư của thuật sĩ giang hồ để lại. Cứ truyền bá nhau mà học, học cái hay thì lâu, học cái dở thì nhanh. Người ta giờ không muốn làm, cũng chả muốn tốn công sức, chỉ muốn ăn chơi hưởng lạc. Bởi thế mới có chuyện một đứa trẻ mới 5-6 tuổi đã ra hầu bóng thánh giá. Còn người đời thì hết lời ca tụng, ảo vọng thêm cuồng, ngày ngày chỉ lo tế thần, bái thánh, đi lễ cho hết đền này đền kia trong Nam ngoài Bắc, cầu tài cầu lộc, cầu danh cầu quyền. Vay mượn để đi lễ, cắm sổ nhà đất để ra trình đồng cho bằng người, đua nhau ra hầu bóng để được nhiều lộc…Họ biến ông thánh thành người vệ sĩ, người bảo trợ cho mình mọi lúc mọi nơi….Có thể nói đạo pháp ngày càng rối ren, hỗn loạn. Không chỉ với đạo Tứ Phủ (tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ) mà cả Phật đạo cũng đang trong hoàn cảnh như vậy.
Thế cho nên mới nói “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, nghe thì đơn giản nhưng nó là sự khổ học không phải ai cũng làm được.