Là con nhà thánh mà thấy hoang mang

CÂU HỎI:
Con chào thầy! Con thấy hoang mang lắm thầy ak.
Thật thật,hư hư..!!
Các “ngài” thử thách. Biết thờ sao cho đúng,biết phụng sao cho phải. Con muốn khóc ròng luôn.
Duyên đâu,nghiệp đấy,các con nhang đệ tử chỉ biết nhắm mắt đưa chân tin theo đồng thầy chỉ bảo.
Đồng thấy mà sai thì con nhang cũng phải chịu cho dù con nhang chẳng biết cái gì,chỉ biết ngoan ngoãn nghe lời, nhất tâm bái lậy.
Cứu khổ độ mê hay là làm cho cuộc sống thêm rối ren, khổ đau, điên loạn hơn.
Ai là người quản lí những việc làm và nghi thức hầu đồng này..!??Ko có.
Các thầy cứ làm,các thầy cứ phán. Chả ai quản lí và chả ai phải chịu trách nhiệm những lời phán truyền của mk. Lính đồng u mê thì vẫn mãi mãi u mê.
Là con thánh bao nhiêu năm rồi mà con cũng vẫn chả biết thế nào là chuẩn mực. Hoang mang tột độ.
TRẢ LỜI:
Không có “ngài” nào thử thách con người, vạn sự do tâm tạo, cơ bản là do con người tự quyết định con đường đi của mình thông qua sự hiểu biết và trí tuệ của bản thân
Nếu bản thân có duyên phận, có “Đức tin” vào Siêu Hình, có “Trí tuệ” sáng suốt để phân định tốt xấu, hay dở, kiên định ý chí trên con đường mà mình đang bước tới, đang tin theo, thì mới được nhà Ngài ban cho cơ hội khai sáng, giác ngộ, để lĩnh hội kiến thức tâm linh chân chính, nương theo chính pháp mà tu tập, rèn luyện cho đạt thành quả.
Còn như tâm sự của tín chủ thì tuy theo đạo nhưng mới chỉ có niềm tin (khác với đức tin) đơn thuần, hoàn toàn thiếu mất điều căn bản nhất là “trí tuệ”, thì nhất định sẽ lầm đường lạc lối, cho dù là đồng thầy hay con nhang đệ tử cũng vậy.
Trong trường hợp này càng kêu cầu, cúng bái thì càng khổ đau phiền não. Nhiều người kêu than, oán trách rằng mình thành tâm như thế, cúng lễ chăm chỉ như vậy mà sao ông thánh không thương mình, không phù hộ cho mình tai qua nạn khỏi…
Xin thưa, chả có ông Thánh, ông Thần nào giúp cho đâu. Chư vị chỉ cứu độ chúng sinh bằng cách khai tâm, khai trí để chúng sinh tự suy luận, tự cảm tự thông, tự tu tập thực hành cải biến cuộc đời mình, tự đứng trên đôi chân của chính mình mà đi, chứ không dùng thần thông để cứu giúp. Chư vị muốn chúng sinh “giác ngộ” chứ không mong chúng sinh cứ suốt ngày cúng bái kêu cầu, đi hết đền to phủ lớn để hầu hạ dạ vâng. Tứ thời bát tiết, vung tiền không tiếc công sức làm ra, hoặc là đôn đáo, chạy vạy vay mượn khắp nơi để được hầu một khóa lễ tươm tất cho bằng người.
Mỗi con người mang một hoặc nhiều nghiệp lực. Mỗi dòng họ đều có một hoặc nhiều nghiệp chướng. Những thứ nghiệp lực, nghiệp chướng ấy chính là phương tiện vận hành cuộc sống của con người. Nó giống như cái xe máy để chúng ta đi lại trong kiếp sống này. Nó trục trặc không đi được tức là nó đang bị hỏng hóc, cần phải sửa chữa, phải tìm đúng nguyên nhân để mà khắc phục thì mới đi tiếp được. Còn như không cần biết, cứ ngồi trên xe mà đạp cần khởi động hay đề ga, thì có làm từ sáng đến tối nó cũng vẫn ì ra như thế, đi không nổi. Kết quả chúng ta phải dắt bộ đồng hành với cái xe chết máy, đi tới cuối con đường. Bản thân đã mệt mỏi lại còn kèm theo cái xe to lớn, nặng nề, thì chúng ta có thể kiệt sức mà ngã giữa đường trước khi về được tới nơi mong muốn.
Hiểu được rõ ràng như thế chính là giác ngộ tâm linh. Chỉ khi đạt được kết quả giác ngộ thì thành tâm cầu khẩn Thánh Thần mới có thể nhận được sự tác động, giúp đỡ. Cái mà dân chúng thường hay kêu khấn là ” ….cho con biết đường mà lội, biết lối mà đi”. Từ đó biết được biện pháp tháo gỡ vướng mắc, tháo cởi trói buộc. Tự nhiên thấy mọi sự hanh thông.
Còn như thiếu “đức tin”, chưa đủ “trí tuệ”, không có “giác ngộ” thì dù có cúng khấn Đông, Tây, Nam, Bắc, vái đủ đền đài, mâm cao cỗ đầy, hầu hạ cả năm, kết quả vẫn chỉ là con số “không” mà thôi.

Trả lời

error: Nội dung được bảo vệ!!